Bạn chưa có tài khoản Đăng ký
Tin tức

Các biện pháp và thủ tục cần thực hiện khi xuất khẩu thanh long sang EU

 

1. Hiện trạng xuất khẩu thanh long Việt Nam vào thị trường EU và các rào cản chính

Cho đến nay, giá trị xuất khẩu của thanh long Việt Nam vào thị trường EU chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Năm 2018, giá trị xuất khẩu thanh long sang EU đạt 7,97 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,67% tổng giá trị xuất khẩu thanh long), năm 2019 đạt 10,68 triệu USD (0,85%), năm 2020 đạt 9,53 triệu USD (0,86%) và 7 tháng đầu năm 2023 đạt 5,13 triệu USD (1,29%). Một trong các nguyên nhân hạn chế đó là các vi phạm về an toàn thực phẩm, chủ yếu là do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng tối đa cho phép (MRL) hoặc tồn dư thuốc bị cấm hoặc không có trong danh mục được phép sử dụng. Thanh long từ Việt Nam nằm trong Phụ lục II của Quy định (EU) 2019/1793 kể từ khi Quy định này có hiệu lực (tháng 10 năm 2019) do nguy cơ ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu.

Tháng 6/2022, EU thông báo ban hành Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5/2022 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ 3/7/2022. Theo quy định này, thanh long của Việt Nam tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục II, Quy định (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, giữ tần suất kiểm tra 20%.

Kết quả Tổng hợp kết quả kiểm soát chính thức thanh long từ Việt Nam giai đoạn 2021 - 2022 theo quy định 6 tháng/ lần cho thấy, các biện pháp quản lý chất lượng của Việt Nam đã cải thiện trong việc tuân thủ các yêu cầu liên quan được quy định trong luật pháp của EU, tuy nhiên, mức độ không tuân thủ vẫn ở mức cao (khoảng 4,5 - 5% không tuân thủ).

Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm quy định về MRL là do:

+ Sử dụng hóa chất BVTV nhiều, chưa tuân thủ “ 4 đúng”, đặc biệt là chưa đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất;

+ Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV không có trong Danh mục được phép sử dụng của EU. Đối với các thuốc BVTV không được EU cho phép sử dụng bị áp mức MRL rất thấp, thường là 0,01 ppm, hầu như nếu đã sử dụng thì không thể đáp ứng quy định này.

 

2. Yêu cầu chung về an toàn thực phẩm với trái thanh long nhập khẩu vào EU

Ngoài hồ sơ hải quan nhập khẩu và xuất khẩu, tất cả các lô hàng thanh long (quả tươi hoặc đông lạnh) khi xuất từ Việt Nam sang EU phải đáp ứng các yêu cầu luật pháp tối thiểu về an toàn thực phẩm sau đây:

- Dư lượng thuốc BVTV và hóa chất (kim loại nặng) không được vượt quá ngưỡng tối đa cho phép (MRL) của EU;
- Quy cách đóng gói và ghi nhãn phải tuân thủ quy tắc của EU;
- Do nhà nhập khẩu đã đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền của một nước thành viên EU nhập khẩu;
- Tuân thủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh và an toàn thực phẩm, và có hệ thống cung cấp thông tin cho Cơ quan có thẩm quyền của EU và Việt Nam khi được yêu cầu;

Ngoài các yêu cầu nói trên, hiện nay thanh long (tươi hoặc đông lạnh) từ Việt Nam tạm thời đang thuộc diện phải tuân thủ điều kiện đặc biệt khi nhập khẩu vào EU. Theo đó, mọi lô hàng thanh long từ Việt Nam đều phải có Chứng nhận chính thức theo mẫu nêu trong Phụ lục IV (“chứng nhận chính thức”- Official certificate) của Quy định (EU) 2021/608 do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật) cấp, kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích ATTP của phòng thí nghiệm đủ điều kiện thực hiện.

Kết quả lấy mẫu và phân tích ATTP đi kèm theo từng lô thanh long của Việt Nam đều phải có số liệu về dư lượng của ít nhất các loại hoạt chất nêu trong Chương trình kiểm soát được phê duyệt theo Điều 29(2) của Quy định (EC) 396/2005 liên quan đến MRL của thuốc BVTV trên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, có thể phân tích bằng phương pháp đa dư lượng theo GC-MS và LC-MS và dư lượng Dithiocarbamates (dithiocarbamates được thể hiện là CS2, bao gồm maneb, mancozeb, metiram, propineb, thiram và ziram), Phenthoate và Quinalphos.

Khi đến cửa khẩu của EU, các lô hàng thanh long có đầy đủ các giấy tờ trên còn chịu sự kiểm soát về ATTP của nước nhập khẩu với tần suất lấy mẫu để kiểm tra là 20%.

 

                                                                   Vườn thanh long ứng phó hạn, mặn ở xã Kiểng Phước (Gò Công Đông - Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí.

Ủy ban châu Âu định kỳ rà soát, bổ sung, sửa đổi quy định hiện hành đối với thanh long Việt Nam. Sau một thời gian, nếu các lô hàng thanh long từ Việt Nam đáp ứng tốt các quy định về ATTP sẽ được đưa ra khỏi danh sách “kiểm soát đặc biệt”. Khi đó, các lô hàng thanh long Việt Nam sẽ không bắt buộc phải kiểm tra ATTP và có chứng nhận chính thức khi xuất khẩu sang EU, đồng thời tần suất lấy mẫu kiểm tra ATTP tại cửa khẩu của EU cũng sẽ giảm đi.

Quy định của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan của EU và thông tin do EC cung cấp.

Cần lưu ý rằng, ngoài các yêu cầu bắt buộc trên, khách hàng EU cũng có thể đòi hỏi nhà cung cấp đáp ứng một số yêu cầu bổ sung, chẳng hạn như chứng nhận chất lượng thực phẩm, Tiêu chuẩn Global GAP, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn mức quy định của pháp luật EU, trách nhiệm đối với xã hội và môi trường của doanh nghiệp xuất khẩu…

Việc kiểm tra ATTP của thực phẩm nhập khẩu vào EU, trong đó có thanh long, không những chỉ được thực hiện tại cửa khẩu/ biên giới mà còn được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra khi thực phẩm đó được lưu thông trên thị trường. Nếu phát hiện vi phạm, thực phẩm đó vẫn có thể bị thu hồi, tiêu hủy, truy xuất nguồn gốc.

Nguồn: https://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn/kien-thuc-kinh-nghiem/cac-bien-phap-va-thu-tuc-can-thuc-hien-khi-xuat-khau-thanh-long-sang-eu.html

Bài viết khác
Tăng trưởng xanh - tiền đề cho sự phát triển bền vững

Tăng trưởng xanh - tiền đề cho sự phát triển bền vững

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích..
Kinh nghiệm chọn Cam ngon

Kinh nghiệm chọn Cam ngon

Cam Trung Quốc ngoài bề mặt thường có độ bóng rất cao và dính, có màu vàng sẫm, loang lổ, không đều..
Kinh nghiệm chọn Dưa Hấu ngon

Kinh nghiệm chọn Dưa Hấu ngon

Phía dưới phần chóp của quả dưa, càng nhỏ thì càng tốt, ngược lại, phần cuốn bên trên càng lớn..
Kinh nghiệm chọn Thanh Long ngon

Kinh nghiệm chọn Thanh Long ngon

Càng nặng thì càng tốt, thanh long càng nặng, chất nước càng nhiều, nhân bên trong càng đầy, do đó khi..
Kinh nghiệm chọn Măng Cụt ngon

Kinh nghiệm chọn Măng Cụt ngon

Bí quyết chọn măng cụt: Đầu mút có bao nhiêu nhành thì bên trong có bấy nhiêu múi… thường thì có 7..
Kinh nghiệm chọn Xoài ngon

Kinh nghiệm chọn Xoài ngon

Giống xoài: Có hương vị tương đối phong phú, hình bầu dục, nhân màu cam, siêu ngọt, siêu thơm. Thích..

Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để nhận
thông tin đặc biệt, tin tức và sự kiện mới nhất.

Cart
Hotline tư vấn miễn phí: 0919951794
Zalo